Disclaimer: Các nhân vật thuộc về CLAMP. Họ không thuộc về tôi. Ảnh banner vẽ bởi Brian Tai.

Summary: Câu chuyện của hai người lạ trên chuyến phà chiều ở Sydney về những kì quan.

Pairing/Characters: NokTom (CSD&CCS), Karen Kasumi (X/1999)

Note: Nhân vật “tôi” là Karen Kasumi trong manga X/1999 của CLAMP.


Sydney cuối tháng Tám rợp nắng. Nắng len qua ô cửa sổ khi kim đồng hồ vừa nhích qua sáu giờ sáng. Nắng ở lại tới tận cuối chiều, trên chuyến phà từ biển Manly về khu Cảng Darling, ngay ga xe lửa Circular Quay. Chiếc phà rú còi rồi xập xình nhích thân nặng nề lướt chầm chậm trên mặt nước biển, len qua khúc quanh co chìa ra từ đất liền, tiến về trung tâm thành phố tráng lệ đang lấp lánh dưới ánh mặt trời cuối ngày.

Tầng trên phà có khu ghế ngồi ngoài trời với những băng ghế gỗ dài, cho người thích thưởng trọn cảnh biến và cả những ngọn gió lạnh buốt, mằn mặn ồ ạt kéo tới. Dân Sydney chính hiệu thường mặc áo mỏng, chọn ngồi bên trong, khuất gió lạnh, bằng lòng quan sát từ những ô cửa kính nho nhỏ cảnh tượng đối với họ đã thành quá quen thuộc. Thế nên những băng ghế ngoài trời phần lớn bị chiếm hữu bởi khách du lịch khoác áo dày cộm dù đã cuối đông, trên cổ đeo máy ảnh to tướng với ống kính mở hoặc lăm lăm trên tay chiếc điện thoại, trong tư thế sẵn sàng chộp lại ngay khoảnh khắc yêu thích. Mấy người phụ nữ Á Châu líu ríu, thay nhau một tay chống hông, tay kia tì khuỷu tay vào lan can gỉ sét để tạo dáng cho bạn bè hoặc người thân mình chụp lại. Vài cặp tình nhân người Âu Châu đeo kính râm ngồi hàng ghế đầu đưa tay chỉ trỏ vào những mô đất rợp cỏ rồi quay sang nhau bàn tán sôi nổi. Lại có vài kẻ đeo tai nghe, chỉ hờ hững ngó quanh quất rồi cắm mặt vào màn hình điện thoại. Phà Sydney buổi chiều nhốn nháo.

Tôi không phải là dân Sydney chính hiệu, nhưng cũng ở đây khá lâu để tự nhận mình không phải là du khách. Dù thế, tôi vẫn thích những băng ghế ngoài trời, để những lọn xoăn nhảy múa cùng cái mơn man từ gió biển và để màu đỏ của chúng sáng lên trong nụ hôn rực rỡ của mặt trời. Có người khách hàng quen nọ bảo rằng tôi giống như ánh dương. Nổi bật. Rực rỡ. Chói lòa. Chỉ lướt qua thôi cũng khiến người khác ngoái cổ nhìn, bằng chứng là những ánh nhìn của mấy gã đàn ông mà tôi nhận được từ lúc đặt chân lên phà. Và như một lẽ dĩ nhiên, tôi đã đón nhận lời khen ngợi của anh khách quen kia với tất cả duyên dáng và thơ ngây của một cô gái gọi đi lễ nhà thờ mỗi Chúa Nhật.

Người ta bảo ở Sydney đất lành chim đậu, có lẽ bởi vì nó đón chào cả những con chim đầy thiếu sót và thường bị đời bỏ quên.

“Xin lỗi quý cô, tôi ngồi đây được chứ?”

Giọng nam trầm trầm vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, buộc tôi phải ngước mắt nhìn để rồi rơi vào thứ màu xanh thăm thẳm như bầu trời. Dáng người cao lêu nghêu và tấm lưng rộng lớn che khuất cả mặt trời. Nắng hòa vào làm một với những lọn vàng bị gió thổi bay lòa xòa trên mái đầu của người đàn ông trẻ. Nét Á Đông, hay chính xác hơn là Nhật Bản mà tôi đã quá quen thuộc cả cuộc đời mình trước khi tới Úc, thấp thoáng trong gương mặt đẹp đẽ, dù nếu không nhìn kỹ thì rất khó phát hiện. Cái cười hiền lành trên làn môi mỏng vẫn vẹn nguyên, không thay đổi dù tôi mất tới một phút để đáp lời anh ta, sau một hồi ngó quanh để chắc chắn rằng tất cả chỗ ngồi đã bị lấy mất:

“Vâng, tất nhiên rồi.”

Băng ghế của tôi chỉ cho hai người ngồi – tôi đã cố ý chọn nó như một cái để giảm tối thiểu khả năng rơi vào khoảng cách gần với người khác. Dù sao thì những du khách cũng thường đi thành cặp hoặc đoàn, và thường không chọn ngồi riêng biệt với người lạ. Chỉ trừ người đàn ông này.

Nhưng anh ta không có vẻ gì là khách du lịch. Không phải với bộ âu phục may đo cẩn trọng và trông rất đắt tiền, đôi giày tây bóng bẩy và chiếc cặp da con con đeo chéo bên hông. Hẳn anh là người thành đạt, hoặc thậm chí là quyền lực. Và đáng chú ý hơn, ngăn nhỏ bên hông chiếc cặp có con búp bê vải mới toanh còn nguyên giá tiền gắn bên chiếc mũ nỉ trắng xinh xinh trên mái tóc tím xoăn dài bằng sợi ni lông. Một doanh nhân (tự tôi cho là thế) với một món đồ chơi trẻ con lạ lùng. Dù khá miễn cưỡng nhưng tôi vẫn nhích về một bên để chỗ trống cho người lạ mặt ngồi xuống. Chuyến phà hơn ba mươi phút này, bắt anh đứng cũng khá tàn nhẫn.

“Xin lỗi cô, tôi không có ý làm phiền sự riêng tư của cô đâu.” Anh ta bất ngờ lên tiếng, như thể đã đọc được suy nghĩ của tôi. Bờ môi mỏng lại cười. Đôi mắt xanh nhìn thẳng vào màu nâu trong mắt tôi – không phải mái tóc đỏ rực nổi bật, bờ môi anh đào quyến rũ hay thậm chí là bộ ngực tròn đầy đặn sau lớp áo mỏng cổ khoét khá sâu. “Cô biết đấy, khu ghế ngoài trời trên tuyến phà này có góc chụp nhà hát Opera Sydney đẹp nhất trong cả thành phố mà.” Đoạn, anh chỉ tay vào chiếc điện thoại cảm ứng với chế độ chụp ảnh được bật sẵn sàng.

Lúc này bộ não tôi lại bối rối, cố gắng xếp loại anh chàng này vào loại “dân bản xứ” hay “khách du lịch”. Tất nhiên là chẳng vì lý do gì, tại tôi thích thế thôi. Tôi thích gắn mác cho người khác như cách họ thường làm với tôi. Khách du lịch, dân bản xứ, doanh nhân, gái gọi hay con chiên ngoan đạo. Những cái mác vô hình quyết định giá trị của con người.

Tôi đã định để vậy, cứ giữ nỗi băn khoăn cho riêng mình trong ba mươi phút của chuyến phà và quên nó đi sau khi cập bến như tôi vẫn làm. Nhưng vì một lẽ nào đó, hoặc có khi do không khí nhốn nháo xung quanh làm tôi phân tâm, tôi lại vô tình bật ra thành lời câu hỏi mà tôi đã định giữ kín:

“Anh nhìn không giống khách du lịch, sao lại muốn chụp hình nhà hát Opera?”

Người đàn ông chuyển ánh mắt đang nhìn mặt biển xanh ngời mênh mông, lại một lần nữa, thẳng vào mắt tôi. Anh trông thoáng ngạc nhiên trước câu hỏi nhưng rất nhanh lấy lại vẻ điềm nhiên.

“Tôi nghĩ dân địa phương cũng thích trân trọng kì quan của thành phố mình chứ!” Anh đáp rất nhẹ nhàng.

“Định nghĩa của một kì quan tùy thuộc vào độ hiếm hoi của nó đối với mỗi người. Đối với những người ngày nào cũng thấy nhà hát hay cầu cảng Sydney, tôi không nghĩ họ lại coi chúng là “kì quan” đâu.” Tôi không chần chừ mà nói huỵch toẹt suy nghĩ trong đầu mình.

Tôi đã nghĩ người đàn ông sẽ cảm thấy phần nào bị xúc phạm, hoặc ít nhất là khó chịu. Và có lẽ như thế đủ trở thành chất xúc tác kéo anh ta rời khỏi băng ghế của tôi. Nhưng không, anh chẳng nhích lấy một li, dù gương mặt lác đác vẻ tư lự. Rồi hốt nhiên, đôi môi lại cong lên rất tự nhiên, không hề có gì là miễn cưỡng hay vì lịch sự. Có người hay cười vậy sao?

“Cô nói không sai. Tôi đã không nhìn sự việc theo cách đó. Thật là một cuộc đối thoại giúp mở mang đầu óc mà! Cô nhạy bén và có mắt quan sát thật, còn nhận ra tôi không phải là du khách!” Anh cảm thán bằng giọng vui vẻ.

Nhạy bén. Có mắt quan sát. Mở mang đầu óc. Có tia ngạc nhiên lướt qua trong nụ cười vô thức của tôi. Người ta thường không dùng những tính từ đó để miêu tả tôi.

“Đúng là tôi không có tính chụp cho tôi, như cô đã nhận định.” Anh chàng tiếp lời. “Mà vì tôi đã hứa với con gái sẽ chụp hình nhà hát cho nó. Cô biết đấy, khi người ta chỉ mới sống trên cuộc đời này có bốn năm, tôi tin rằng mọi thứ đối với họ đều trở thành kì quan.”

Tôi quan sát những đầu ngón tay của người đàn ông chạm nhẹ vào con búp bê vải, ánh nhìn bỗng nhiên trở nên mông lung. Chắc anh đang nghĩ tới cô con gái. Lần này, anh trong mắt tôi không còn mang cái mác doanh nhân nữa. Mà là một người cha trẻ tuổi có cô con gái nhỏ.

“Con anh ngày nào anh cũng gặp mà, không lẽ cứ đi làm về anh lại chụp hình nhà hát Opera cho con bé?” Tôi cố vặn vẹo thêm, dù tôi chẳng còn mấy hứng thú với lý do chụp hình nhà hát của người đàn ông này nữa mà là cái gia đình nhỏ mà anh ta đang nghĩ về kia.

Đó là lần đầu tiên anh thôi cười. Có một quãng lặng dài nối tiếp cuộc đối thoại lạ lùng này. Sự trầm ngâm bủa vây lấy người đàn ông lạ, nét mặt anh chẳng còn vui tươi lại có chút khắc khoải. Tôi thấy anh mím môi, như thể đang đè nén nỗi dằn vặt bí ẩn nào đó. Và tôi nhẫn nại đợi chờ, dù trong ruột tôi đang đếm từng giây trôi qua cho tới khi tôi biết được bí mật nho nhỏ của người lạ này. Buồn cười làm sao, hứng thú của tôi dành cho anh lại chẳng phải vì túi tiền như thái độ của tôi đối với những vị khách ghé qua nơi tôi làm việc. Mà cũng phải thôi, vì người này đâu giống họ. Anh có vẻ như là một người đàn ông mẫu mực.

“Đã hơn nửa năm rồi tôi chưa gặp con bé.” Anh ta cuối cùng cũng cất tiếng. Có nỗi da diết kéo dài trong từng con chữ.

Có lẽ tôi nên dừng cuộc trò chuyện ở đây, và vờ như đó là một cuộc đối thoại vui vẻ, chẳng có gì không thoải mái. Giống như khi người ta hỏi “bạn sao rồi” thì câu trả lời mặc định sẽ luôn là “tôi ổn”, nếu như ta còn muốn nói thêm đôi ba câu chuyện với họ thay vì khiến họ tự rút lui, trước khi lỡ sa chân vào một vấn đề mà họ không muốn đối mặt. Đó là con người. Lảng tránh là sở trường của họ. Nhưng có gì đó trong sắc xanh giờ đã thành u uất của đôi mắt người đàn ông khiến tôi bị thu hút, như thể nó là một lỗ đen vũ trụ còn tôi lại đang tình nguyện lao vào. Trong lỗ đen đó biết đâu là kho báu. Hoặc là một đống vỡ nát. Những bí mật luôn có sức hút mãnh liệt.

“Anh không phiền nếu tôi hỏi vì sao chứ?” Tôi hạ giọng.

Anh lắc đầu không lưỡng lự, nét cười về trong ánh nhìn. Có gì để lo sợ, dù sao cả hai chúng tôi đều là người dưng. Có mấy cơ hội gặp lại nhau?

“Vì vợ tôi muốn chăm sóc con bé trong thời gian chúng tôi li thân.”

Giọng người đàn ông trẻ rơi xuống một âm vực sâu thẳm, nghe nặng nề như có ngàn cân sắt đè lên. Anh hơi cúi đầu xuống, những ngón xương xương mân mê chiếc nhẫn bạc lấp lánh trên ngón áp úp bàn tay trái mà nãy giờ tôi không để ý. Hốt nhiên, giữa nước biển mênh mông, và ngay giữa đám đông ồn ào, trông anh cô độc không ngờ. Và tôi chợt nhận ra chúng tôi giống nhau, cách này hay cách khác. Cả hai chúng tôi đều là những chú chim lạc lõng ở đất lành Sydney.

Không đợi tôi hỏi thêm câu nào, anh bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện mà nãy giờ tôi đang thèm thuồng muốn khám phá. Bí mật nho nhỏ của một người lạ – nó là sự kết hợp của hai thứ thú vị nhất trên đời.

Tôi nghe về mối tình thời Đại học của người đàn ông không quen biết với một cô gái. Nắng chiều soi vào màu xanh trong đôi mắt anh, khiến nó gần như lấp lánh như sao trời mỗi khi anh nói về mái tóc tím dài thướt tha thơm ngát hương mộc lan hay đôi mắt màu hoa violet đẹp đến nao lòng của người anh yêu. Chưa một lần gặp mặt nhưng tôi mường tượng được cô ấy xinh đẹp thế nào. Có lẽ chỉ một cái cười của người con gái đó cũng đủ rạng rỡ để mặt trời quay đi vì xấu hổ. Chẳng một lần anh nói anh yêu cô ấy, nhưng từng câu từng chữ thoát khỏi kẽ môi đều đẫm tình. Thoáng chốc, tôi định gán cho anh chàng cái mác si mê, nhưng lại thôi. Vì tôi đã dùng nó để chỉ những gã đàn ông tìm đến tôi hằng đêm để thỏa mãn thú vui dục vọng của họ. Ánh mắt họ cuồng dại, nhưng không nồng nàn; mê nhưng không si; trầm nhưng không ấm. Không như người đàn ông này. Vàvì thế mà tôi tin rằng cô gái anh yêu cũng đâu phải một người phụ nữ tầm thường. Có lẽ cô ấy là một thiên thần.

Rồi tôi nghe về cuộc hôn nhân năm năm của họ mà theo lời anh kể là bị nhiều người cho rằng quá sớm – khi cả hai chỉ mới bước vào tuổi hai mươi mốt và vừa tốt nghiệp. Từ lúc nào tôi bị cuốn vào cái yên bình trong viễn cảnh hôn nhân tươi đẹp ấy. Ngày ngày nhìn thấy người thương, nắm tay nhau đi khắp thế gian. Nghe êm ấm đến lạ. Và cái vấn đề của hạnh phúc chính là cách nó biến người ta yếu đuối trước sóng gió sắp ập tới. Người vợ trẻ quyết định học tiếp lên Cao học để lấy bằng Thạc sĩ Văn Chương, cho cái ước mơ trở thành nhà văn của cô ấy. Người chồng theo yêu cầu của gia đình tiếp quản lại công việc của gia đình. Anh không nói rõ công việc đó là gì, nhưng tôi có thể đoán được quy mô lớn và tầm quan trọng của nó qua cách nói của anh, và ít nhiều qua những món đồ đắt tiền nhưng thanh lịch anh mang trên người. Có lẽ đó là một công ty lớn, hay cái gì đó đại loại như vậy. Thế nên chẳng cần anh kể, tôi cũng biết nó đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết thế nào. Nhưng họ đã có một kế hoạch rất rõ ràng. Họ muốn cùng nhau đạt đến ước mơ riêng của mình. Không có bất kì hy sinh nào cần thiết. Vốn dĩ không có ai phải lùi lại phía sau.

Cho tới khi cô con gái dễ thương của họ chào đời.

Người đàn ông trẻ không gọi con bé là “một tai nạn” hay những gì đại loại thế. Ngược lại, anh nói về cô bé với tất cả sự ngưỡng mộ và yêu mến mà một người có thể chứa được trong trái tim loài người nhỏ xíu của họ. Tôi biết cả anh và người vợ trẻ yêu thương đứa con gái nhiều thế nào, bởi tình cảm đó đã gửi trọn vào cái tên Aiko – đứa trẻ sinh ra từ tình yêu. Có lẽ đối với họ, cô bé ấy là một món quà từ thiên đường mà nếu được chọn lại, họ vẫn sẽ chọn đón nhận. Nhưng tất cả những món quà đều đến với những sợi dây nơ ràng buộc.

Đôi cánh tình yêu của họ bị trói chặt bởi những đêm mất ngủ với tiếng khóc không ngừng của con trẻ và những gánh nặng mới của bậc làm cha mẹ mà họ hãy còn quá nhiều hoài bão để sẵn sàng từ bỏ mà đối diện. Lúc này, một sự hy sinh trở nên thiết yếu. Cô gái chọn tuột lại phía sau trên đoạn đường tới ước mơ, sau khi cô nhận ra tình yêu dành cho đứa trẻ còn đỏ hỏn của cô lớn hơn rất nhiều tình yêu cô dành những câu từ xinh đẹp trong văn chương.

“Cô ấy có hối hận không?” Tôi chợt hỏi vì tò mò.

“Chưa một lần nào.” Người đàn ông đáp với tất cả sự trìu mến dịu dàng.

Tôi thoáng ghen tị với cô gái tóc tím mà tôi chưa từng gặp. Bỗng tôi thèm có ánh mắt nào đó cũng nhìn tôi thế. Cái nhìn trong trẻo đong đầy tình yêu, không một gợn bẩn, không bị dục vọng làm đục ngầu. Tôi đã cứ nghĩ trên đời làm gì có ánh mắt như vậy, cho tới hôm nay.

“Cô đã nói định nghĩa của một kì quan tùy thuộc vào thái độ của người ta đối với nó. Khi người ta trở nên quen thuộc với một điều tuyệt vời, người ta bắt đầu coi nó là hiển nhiên, và quên mất giá trị của nó.” Anh ta bỗng nhắc lại những gì tôi hứng chí nhận xét khi nãy. “Đó chính là sai lầm lớn nhất của tôi.”

Chỉ trong cái chớp mắt, người đàn ông trẻ mẫu mực biến thành một gã tồi khi câu chuyện được tiếp tục. Tự tôi muốn dùng tuổi trẻ để bào chữa cho anh. Tuổi trẻ dễ bị cuốn vào đời hối hả và công việc bề bộn, dễ bị tham vọng làm quên đi những điều quan trọng khác. Như sự hy sinh âm thầm của người vợ trẻ. Nhưng cả tuổi trẻ cũng không thể khiến sự đợi chờ mà anh để cô ấy hứng chịu bớt chua chát, trong khi anh mặc sức vùng vẫy thỏa thuê với công việc. Đợi chờ giờ làm dài đằng đặc của anh kết thúc cho cô ấy nhìn thấy gương mặt của người yêu thương lúc nào cũng về nhà khi cô ấy đã mỏi mệt chìm vào giấc ngủ chẳng bình an. Đợi chờ một ngày cô ấy có thể tiếp tục theo đuổi hoài bão của mình. Và chỉ riêng sự cô đơn xen kẽ với nỗi lo lắng âm thầm cô ấy phải chịu đựng hằng ngày cũng đã đủ để kết án anh.

Không phải vì tuổi trẻ, thôi thì vì đời. Đời lắm bộn bề nên kéo họ xa nhau lúc nào không hay. Họ vuột tay nhau cũng tại đời.

Tới khi giọt nước tràn li, khiến bình yên vỡ tan khiến họ buộc phải biến khoảng cách tâm hồn thành khoảng cách địa lý. Ừ thôi, cũng vì đời. Anh dọn đến sống ở vùng Manly xa hoa để tiện cho công việc. Cô ấy và đứa con của họ ở lại vùng phía Tây Sydney, cách trung tâm thành phố cả một giờ xe lửa. Họ đều thừa nhận rằng họ cần thời gian suy nghĩ về mối quan hệ này.

Chiếc phà rẽ nước, vượt qua mô đất lớn, xăm xăm tiến về phía nhà hát Opera và cầu cảng Sydney giờ đã hữu hình trước tầm mắt. Mấy du khách bắt đầu nhao nhao thì nhau hướng ống kính về hai biểu tượng lớn nhất của Sydney. Người đàn ông lại ngồi thừ người, nhìn chăm chăm không chớp mắt vào khoảng không phía trước, lạc trong suy nghĩ của riêng mình.

“Này anh, anh mau chụp hình nhà hát cho con gái đi chứ! Để phà qua mất bây giờ!” Tôi cất giọng khiến anh thoáng giật mình.

Anh chàng luống cuống đứng dậy với chiếc điện thoại trong tay, cẩn trọng đợi chiếc phà tới khoảng cách thích hợp rồi cùng lúc với những khách du lịch khác chụp liền mấy bức. Tôi quan sát anh ngắm nghía những bức hình rồi có lúc đưa máy lên chụp lại cho tới khi chiếc phà bỏ lại nhà hát đằng sau mới thôi. Rồi ánh mắt tôi rơi xuống con búp bê vải bên hông chiếc cặp da. Đứa bé gái hẳn sẽ thích mê nó. Đối với cô bé, con búp bê có lẽ cũng sẽ là một kì quan. Trong quá khứ xa xăm nào đó, tôi đã từng có cho mình một kì quan nho nhỏ dưới dạng một chú gấu nhồi bông. Và bây giờ, ở tuổi hai mươi lăm, nó đối với tôi vẫn quý giá như thế. Tất cả chút thơ ngây còn sót lại trong tôi đều được nó ôm ấp và bảo vệ, kẻo một ngày đời cuốn tôi đi, nó vẫn sẽ giữ cho tôi tỉnh táo, như cách nó đã làm bao năm qua khi quá khứ về người mẹ nghiện rượu, mê tín và những trận đòn không ngừng ám ảnh tôi, ngay cả trong giấc mơ, ngay cả khi tôi đã chạy trốn khỏi Nhật Bản để đến với Sydney xa lạ.

“Anh có hối hận không?” Tôi hỏi người lạ.

“Về chuyện gì?”

“Kết hôn quá sớm ấy. Nếu anh và cô ấy chờ đợi một vài năm nữa, biết đâu mọi chuyện sẽ khác?”

Đôi mắt của anh lại dịu dàng lạ thường khiến tôi ghen tị. Tôi đâu có ý tọc mạch khi hỏi liệu anh có hối hận về cuộc hôn nhân không. Chỉ là tôi tò mò, xem hối tiếc mang màu gì. Tôi đã nghĩ nó sẽ mang màu xanh xám, đục ngầu và dậy sóng như biển trong bão. Nhưng tất cả những gì tôi nhận được là thứ màu xanh trong vắt, ngời ngời trong ánh nhìn ấy.

Đó nào phải hối tiếc.

“Nếu thời gian có thể trở lại, nếu tôi được phép chọn một lần nữa, thậm chí một ngàn lần nữa, tôi vẫn sẽ quỳ xuống trước mặt cô ấy vào ngày hôm đó cùng với câu hỏi không thay đổi. Và nếu cô ấy chấp nhận tôi, một lần nữa, tôi sẽ không bao giờ để mình sa vào điều đã khiến tôi ân hận nhất: quên mất cô ấy quan trọng với tôi như thế nào.” Người lạ đáp bằng tất cả chân thành mà tôi chưa từng nghĩ có thể tồn tại. “Với tôi, người con gái đó và con gái nhỏ của tôi chính là kì quan tuyệt diệu nhất.”

Chẳng biết từ lúc nào tôi lại thôi cố gắng phân loại người đàn ông này. Anh chỉ là một người lạ thôi.

Tôi bỗng thấy mình nở nụ cười. Chẳng có lý do gì. Tôi không nghĩ mình nên vui cho tình yêu của anh, bởi tôi còn không biết anh ta là ai. Nhưng mối dây liên kết những người lạ với nhau có một ma lực vô hình mạnh mẽ lạ lùng. Những người lạ kết nối với nhau bằng thứ chân tình không đòi hỏi, không cầu kỳ, vô điều kiện và cũng không cần đáp trả. Một kì quan.

“Vậy nên mới nói tất cả đàn ông tốt trên đời đều đã có người yêu, hoặc đồng tính.” Tôi tặc lưỡi, buông câu đùa vu vơ làm anh thoáng đỏ mặt, trông mới buồn cười làm sao.

Chiếc phà đang dần cập bến, người ta bắt đầu rời khỏi ghế ngồi và kéo nhau về phía lối xuống cảng đang chuẩn bị được mở ra. Người đàn ông từ tốn đứng dậy, kéo chiếc cặp da qua mình rồi bỗng chìa tay ra trước mặt tôi. Đôi mắt hấp háy nét cười như nửa giờ trước lúc anh hỏi xin ngồi cạnh tôi. Dáng người cao lêu nghêu và bờ vai rộng lại một lần nữa che khuất ánh mặt trời. Những lọn tóc vàng lòa xòa trong gió lấp lánh dưới gợn nắng cuối ngày. Tôi ngần ngừ một hồi rồi nắm lấy, để anh giúp tôi đứng dậy.

“Cảm ơn cô đã nghe chuyện của tôi. Và xin lỗi nếu tôi đã phá hỏng chuyến phà của cô.” Anh hơi cúi người, vẻ lịch thiệp khiến tôi ngạc nhiên.

“Không sao, ít nhất đó là một câu chuyện khá thú vị.” Tôi đáp.

“Tôi có thể biết tên cô chứ?”

Tôi nhìn anh chàng thật lâu, đã toan định nói ra tên mình, nhưng cổ họng như nghẹn lại. Những cái tên có thể thay đổi một mối quan hệ, có thể biến quen thành lạ. Trao cho người lạ cái tên cũng là để họ tiến thêm một bước tới linh hồn mình. Và dù cảm mến người đàn ông này bao nhiêu, tôi vẫn chưa sẵn sàng để vứt bỏ sự liên kết đẹp đẽ giữa những kẻ xa lạ để trở thành thứ có thể sẽ rất đáng trân trọng, hoặc đáng ghê tởm, gọi là người quen.

“Để lần sau đi.” Tôi cười. “Nếu có gặp lại, chắc chắn chúng ta sẽ là bạn hữu.”

“Tất nhiên rồi, thưa quý cô.” Và đôi môi mỏng của lại cong lên khi anh ta lịch lãm cúi người.

Chúng tôi chia tay ở lối vào ga xe lửa Circular Quay tấp nập người ra vào. Gần năm giờ chiều. Lúc này dân công sở vừa tan làm, chắc là sẽ đông lắm. Tôi chúc anh may mắn với dự định của mình. Và dù không biết vì sao, nhưng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng người con gái anh yêu hết mực sẽ tha thứ và chấp nhận anh quay về.

Có một điều về những thử thách trong đời là chúng khiến ta mạnh mẽ hơn, ít chênh vênh hơn khi khó khăn tiếp theo ập đến.

Tôi trông theo người đàn ông trẻ leo lên từng bậc thang về phía sân ga, nom hân hoan khôn tả. Bỗng chốc anh khựng lại, rồi quay người bước xuống, tiến lại phía cửa hàng hoa nho nhỏ. Vài phút sau thấy anh trở ra với bó ly trắng muốt, thắt dây nơ tím trên tay. Gương mặt rạng rỡ như có nắng soi vào dù bầu trời đã ngả màu hoàng hôn từ lâu. Tôi thoáng cười, nhanh chóng quay gót về phía trạm taxi. Anh ta sẽ ổn thôi. Vì đó là bản chất của cuộc đời – mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.

Khu Kings Cross đêm thứ sáu nhộn nhịp ánh đèn từ xe cộ và các tòa nhà cao ngất. Người ta đổ ra Kings Cross tìm kiếm đủ thứ thú vui, đặc biệt là những thú vui tội lỗi nhất.

“Karen Kasumi! Sao hôm nay cậu đi làm trễ vậy?” Cô bạn đồng nghiệp của tôi sấn tới hỏi liền khi thấy tôi bước vào chỗ làm.

“Tớ đã gặp một người trên phà.” Tôi nhún vai cười vẻ bí ẩn. “Một người đàn ông.”

“Ồ, anh ta đẹp trai chứ? À không, anh ta nhiều tiền chứ? Cậu có giới thiệu anh ta chỗ của chúng ta không?” Cô bạn hấp tấp chen vào. Hai mắt sáng như đèn pha.

“Anh ta đẹp lắm, và có vẻ cũng rất thành đạt. Nhưng tớ nghĩ anh ta chẳng có hứng với thú vui ở đây đâu.” Tôi nói giọng nghe vui vẻ, khác với vẻ mặt thất vọng của cô bạn, trong đầu thoáng mường tượng ra cảnh đứa bé gái và người con gái xinh đẹp đón chào người đàn ông kia trở về với vòng tay họ.

“Thiệt tình…” Cô khoăn tay trước ngực, miệng lẩm bẩm đầy nuối tiếc. “Anh ta có gì mà không hứng thú với chúng ta?”

“Cả một kì quan đấy.”

Cô bạn của tôi ngán ngẩm quay đi trước những lời mập mờ, mông lung, nghe chẳng có nghĩa gì. Cô nàng dợm chân bước về phía phòng thay đồ, miệng vẫn liến thoắng vài lời tự an ủi mà tôi loáng thoáng nghe được:

“Thôi, nếu anh ta là vị giám đốc trẻ tuổi của chi nhánh tập đoàn Imonoyama lừng danh ở Sydney thì mới đáng tiếc! Nokoru hay Nokuro Imonoyama gì ấy nhỉ?”

Fin.

24/08/2017

Anise

2 thoughts on “[CLAMP] Kì Quan

  1. Lại thêm một tác phẩm tuyệt vời của em nữa cô gái ạ. Tôi đang tự hỏi không biết em đã từng sống ở nước ngoài hay là đã từng đi du lịch nước ngoài nhiều chưa mà hình ảnh những khung trời xứ lạ hiện lên trước mắt tôi chân thực đến từng ánh nắng.

    Tomoyo và Nokoru này khiến tôi có cảm giác hạnh phúc trong hi sinh, và có phần nào cam chịu nữa: cam chịu ở sự nghiệp, gia đình, tuổi tác của đối phương, nhưng vì là tự nguyện cho nên tình cảm ấy không bị bất cứ năng lượng xấu bên ngoài nào làm vỡ nát cả. Trong mắt Karen, trong mắt tôi, gia đình nhỏ ba người ấy là kì quan sáng rực rỡ nhất, đáng trân quý nhất, chứa đựng thật nhiều giá trị về mối quan hệ cha mẹ con cái, dù xa mặt nhưng chẳng cách lòng. Với người con gái tóc tím ấy, một người không có bóng hình người cha bên cạnh từ nhỏ, việc tìm được một người chồng, người cha cho đứa con gái của mình như Nokoru như thế có lẽ cũng thỏa nỗi trống trải trong lòng.

    Cảm ơn em rất nhiều. Phải chi có nhiều thời gian để ngẫm nghĩ được nhiều câu từ khen ngợi em hơn nhưng tôi bị bất lực ngôn từ mất rồi. Em viết đẹp quá, rung động quá Anise ạ. Thật vui vì đã có được cái duyên tìm thấy fic của em.

    Thân,
    Hoàng Lí

    Liked by 1 person

    1. Hoàng Lí đã đọc và yêu mến những câu chuyện của em khiến em vui lắm và thấy rất vinh dự nữa!

      Và đúng như Hoàng Lí nghĩ, em đã từng rất may mắn được ngồi trên chuyến phà ấy, ngắm nhìn những mô đất, con nắng cuối tháng Tám ở Sydney từ đúng băng ghế ngoài trời mà Karen và Nokoru đã ngồi trong fic này. Em chắc chắn nếu không có trải nghiệm đó thì em đã không thể viết nên Kì Quan, và em cũng hiểu rằng tự khả năng hạn hẹp của em không bao giờ có thể tưởng tượng ra khung cảnh thơ mộng đó.

      Hoàng Lí biết không, trên chuyến phà đó, em thấy một người đàn ông trẻ, tay khệ nệ xách theo chân máy ảnh, vai đeo hai ba giỏ, có chiếc máy chụp hình chuyên dụng quàng qua cổ. Một trong những chiếc giỏ để mở, và em đoán nó để đựng máy chụp hình của anh (nếu đánh giá theo hình thù), có một con gấu bông, nhìn lạc quẻ giữa một loạt thứ đồ nghề anh mang theo dễ sợ, nhất là khi không có đứa bé nào đi theo anh! Tới giờ em vẫn không thể quên được hình ảnh ấn tượng đó.

      Lúc đó tự nhiên em nghĩ hẳn anh là một người cha tốt. Rồi chẳng hiểu sao em ước Tomoyo cũng tìm được một người đàn ông tốt như thế, giống như Hoàng Lí đã nói – để bù đắp cho tuổi thơ thiếu thốn bàn tay cha của cô ấy. Chắc vì thế mà em viết fic này cho thỏa lòng, và để lưu lại hình ảnh người lạ mà em có cái duyên được nhìn thấy trên phà nữa.

      Sự đồng cảm và yêu mến của Hoàng Lí dành cho thứ văn còn non nớt của em đã vượt quá tất cả mong đợi của em. Và em vẫn còn đang vui không biết sao cho hết! Vậy nên em phải cảm ơn Hoàng Lí nhiều lắm!

      Like

Leave a comment